Hướng dẫn chơi bài Càn

I. Giới thiệu chung

A. Nguồn gốc và sự phát triển

Bài Càn là tên gọi khác của Bài Bách Phân (có nghĩa là “một trăm điểm”) rất phổ biến ở Trung Quốc. (Tên “Càn” do người chơi Việt Nam đặt với nghĩa “càn quét” do người làm bài thường phải càn chủ của đối phương để có thể dành chiến thắng hoặc với nghĩa “càn trắng” tức là ghi được bàn thắng).

Không có chứng cứ cụ thể nhưng trong nhiều bộ phim Trung quốc từ gần nửa thế kỉ trước (được chiếu ở miền Bắc trong thời gian Chiến tranh chống Mỹ) đã nhắc đến Bài Càn.

Một thành viên sáng lập của Câu lạc bộ “Những Người bạn”, chiến đấu ở Lào trong thời chống Mỹ, đã truyền bá môn này vào năm 1979.

B. Các qui định

1. Đấu thủ

Để chơi Bài Càn cần bốn người, hai người ngồi đối diện tạo thành một đội. Các đội thi đấu đối kháng.

Trong đấu giải các đội được đăng ký trước. Trong thi đấu giao hữu các đội được lựa chọn bằng bốc thăm nếu không có thỏa thuận khác.

2. Dụng cụ thi đấu

a. Bộ bài

Đây là dụng cụ không thể thiếu khi đánh Càn. Sử dụng bộ bài 54 lá, gồm hai cây “phăng teo” (tiếng Anh Joker) hay còn gọi tắt là “teo” và 52 cây trong bốn chất, mỗi chất 13 cây.

Một cây “teo” được gọi là “teo đỏ” hay “teo trưởng”, cây còn lại là “teo đen” hay “teo phó”.

Thứ bậc từ cao đến thấp của các chất là cơ, rô, nhép pích. Thứ bậc này được sử dụng khi bốc thăm chia cặp hoặc chọn chỗ ngồi.

Mỗi chất gồm 13 cây. Thứ bậc từ cao đến thấp trong từng chất là: A, K, Q, J, 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2.

Các cây “teo”, A và K được gọi là nhân tố.

Các cây K, 10, 5 là các cây điểm trong đó cây K và 10 trị giá 10 điểm, cây 5 – 5 điểm.

“Teo trưởng” và “teo phó” luôn là chủ. Ở chất chủ “teo trưởng” là cây cao nhất, sau đó là “teo phó”, thứ bậc của các cây còn lại giống như ở các chất khác.

b. Màn chắn

Tùy theo tính chất của trận đấu có thể sử dụng màn chắn. Đó là một dụng cụ lắp theo đường chéo của bàn, cao hơn mặt bàn khoảng 20 cm nhằm mục đích không để hai đấu thủ cùng bên không nhìn thấy nhau.

3. Nguyên tắc đánh

Trong Bài Càn mọi hành động diễn theo chiều ngược với chiều kim đồng hồ.

Người trả giá cao nhất sẽ là người làm bài và được quyền đánh đầu tiên ở nước đầu tiên. Mỗi lần chỉ đánh một cây.

Chất của cây đầu tiên trong mỗi nước là chất của nước đó. Những người sau, theo thứ tự, sẽ ra một cây đúng với chất của nước nếu có chất đó, không nhất thiết phải ra cây cao hơn. Nếu hết hoặc không có chất đang đánh có thể ra cây ở bất kì chất nào.

Sau khi cả bốn đấu thủ đã ra bài sẽ xét xem ai là người ăn được nước này. Người ra cây cao nhất, đúng chất của nước đang đánh là người ăn được. Nếu một hoặc nhiều người hết chất đang đánh và ra chủ thì người ra chủ cao nhất sẽ ăn được. Những cây bài đã đánh được để ngửa trên bàn.

4. Mục đích thi đấu

Mục đích của mỗi đôi là ghi được “bàn thắng”.

Có ba loại bàn thắng:

– Càn trắng;

– Đốc điểm;

– Đốc “hậu”.

a. Càn trắng

Định nghĩa: “Càn trắng” là khi bên làm bài không để đối phương ăn được điểm nào và không bị mất nước cuối.

Bên làm bài luôn tìm cách hạn chế số điểm ăn được của đối phương. Nếu đối phương không ăn được điểm nào (có thể ăn được một số nước) và cũng không ăn được nước cuối cùng (nước thứ mười hai) thì bên làm bài ghi được bàn thắng.

Nếu đối phương ăn ít hơn 35 điểm (ba mươi lăm), tùy theo hiệp ước, ở ván kế tiếp bên đã làm bài có thể bị “cống” một hoặc hai cây hoặc không bị “cống”.

Định nghĩa: “Cống” là phải đưa kín một hoặc hai nhân tố, tùy mức điểm đã để bên đối phương ăn được trong ván trước,  cho đối phương ngồi bên phải.

Phải cống nhân tố hoặc hai nhân tố cao nhất. Nếu có hai hoặc nhiều nhân tố cao bằng nhau – cống cây nào là quyền của người bị cống.

Nếu không có nhân tố – có thể cống cây bất kì.

Người được cống sẽ phải trả lại cho người cống số cây bằng với số cây được cống. Cây trả lại là cây bất kỳ tùy tính toán của người được cống.

b. Đốc điểm

Định nghĩa: “Đốc điểm” là khi bên phòng ngự ăn được từ 45 điểm trở lên.

Ván bài kết thúc ngay khi bên phòng ngự ăn đủ 45 điểm hoặc hơn.

Ở ván kế tiếp sẽ không có cống.

c. Đốc hậu

Định nghĩa: “Đốc hậu”là khi bên phòng ngự ăn được nước cuối cùng (nước thứ mười hai) bất kể trước đó và trong nước cuối cùng có ăn điểm hay không.

Như vậy bên làm bài tìm cách “càn trắng”, khi không thể càn trắng thì tìm cách hạn chế đối phương ăn điểm nhưng trong mọi trường hợp không được để mất nước cuối cùng.

Bên phòng ngự (bên không làm bài) tìm cách ăn càng nhiều điểm càng tốt, nếu ăn đủ 45 điểm là tốt nhất, hoặc tìm cách ăn được nước cuối cùng.

II. Phương pháp tiến hành một trận đấu

A. Công tác chuẩn bị

Trước khi bắt đầu trận đấu phải xác định các đội (còn gọi là cặp hoặc đôi). Mỗi đội có thể gồm nhiều hơn hai đấu thủ và các đấu thủ có thể thay nhau thi đấu khi kết thúc mỗi ván bài.

Các đội có thể được xác định bằng bốc thăm nếu không có thỏa thuận khác. Khi bốc thăm mỗi đấu thủ sẽ rút một lá bài. Hai người rút được hai lá cao hơn sẽ tạo thành một đội, hai người còn lại tạo thành đội thứ hai.

Sau khi xác định đội hình sẽ bốc thăm để chọn quyền chia bài đầu tiên hoặc chọn chỗ. Chỉ một trong bốn đấu thủ rút một lá bài, nếu rút được lá bài đỏ (chất cơ hoặc rô) thì bên người rút thăm sẽ chia ván đầu tiên, đối phương chọn chỗ ngồi. Nếu rút được lá bài đen (chất nhép hoặc pích) – bên của người đó sẽ chọn chỗ ngồi, đối phương chia bài ván đầu tiên. Bên chia bài trước được chọn người chia ván đầu tiên.

B. Chia bài

Người đến lượt chia phải sẽ phải tráo kỹ và đưa cho đối phương “kênh bài” nếu có yêu cầu.

Bài được chia từng cây một, ngược chiều kim đồng hồ, bắt đầu từ người chia và kết thúc ở bài nọc (tức là được chia thành năm phần) và cứ tiếp tục cho đến hết. Mỗi đấu thủ nhận được 12 cây bài, nọc có 6 cây.

Có hai cách chia.

1.Cách thứ nhất

Sáu vòng đầu chia năm phần, sáu vòng sau chia bốn phần, trừ nọc.

2. Cách thứ hai

Một vòng chia năm phần, vòng kế tiếp chia bốn phần, trừ nọc. Sau đó lặp lại qui trình này cho đến hết.

Sau khi chia bài hợp lệ các đấu thủ phải đếm lại số bài của mình và lên bài.

C. Rao giá

Nếu không phải là ván đầu tiên thì phần rao giá chỉ bắt đầu sau cống và trả cống nếu có phần đó.

1. Quyền “hòa bài”

Nếu không có cống hoặc sau khi đã hoàn thành thủ tục cống và trả cống mà một đấu thủ không có điểm hoặc không có nhân tố thì có quyền “hòa bài”, tức là không đánh ván bài đã chia. Ván đó được chia lại.

Đấu thủ có tay bài đủ điều kiện để xin “hòa” có thể không sử dụng quyền đó.

Trong trường hợp có cống mà đồng đội của người được cống hoặc chính người đó xin “hòa” trước khi cống thì ván bài đó được chia lại và ở ván kế tiếp không có cống. Nếu người bị cống, sau khi trả cống, xin “hòa” thì ở ván bài chia lại sẽ không có cống.

Nếu đồng đội của người bị cống xin hòa thì ở ván chia lại sẽ vẫn có cống theo các điều kiện cũ.

2. Cống và trả cống

a. Công thức tính mức cống.

Nếu bên phòng ngự ăn không quá 30 điểm thì áp dụng công thức sau:

A + B -100 = C

Trong đó:

A là mức của hiệp ước;

B là tổng số điểm bên đối phương ăn được;

C là chỉ số để tính mức cống.

Nếu C nhỏ hơn 10 thì không phải cống. Nếu C từ 10 đến 15 sẽ phải cống “một”. Nếu C từ 20 trở lên phải cống “đôi” (cống hai cây).

Khi bên phòng ngự ăn được 35-40 điểm thì cả hai người của bên làm bài sẽ phải “mỗi người cống một” ở ván kế tiếp, tức là cả người đã làm bài và đồng đội của anh ta đều phải cống.

3. Rao giá

Nếu không có ai xin “hòa” (sau khi thực hiện xong quy trình cống nếu có) sẽ bắt đầu quá trình rao giá.

Người chia bài là người được rao giá đầu tiên. Sau đó là đối phương bên phải rồi đến đồng đội của người chia và cuối cùng là đối phương thứ hai. Quá trình rao giá chỉ diễn ra trong một vòng.

Người đến lượt rao giá có thể phát một giá nào đó hoặc “nín”.

Các giá gồm: 80, 85, 90, 95 và 100.

Người chia bài nếu “nín” cũng đồng nghĩa với phát giá 80.

Những người kế tiếp nếu “nín” tức là đồng ý với giá trước đó.

Người đến lượt, nếu không “nín” có thể rao bất kỳ giá nào cao hơn giá trước, cũng có thể rao ngay giá “100” và khi đó quá trình rao giá kết thúc.

Người rao giá cao nhất sẽ là người làm bài, đối phương của bên “làm bài” gọi là bên “phòng ngự”.

Nếu tất cả cùng nín thì người chia bài sẽ làm bài với giá 80.

4. Đánh bài

Người làm bài sẽ lấy 6 cây ở nọc và được toàn quyền sử dụng 6 cây đó cùng 12 cây của mình. Trong trường hợp người làm bài là người bị cống thì phải lấy từng cây một ở nọc. Nếu ở nọc có nhân tố cao hơn những cây đã cống phải “trình” những cây này cho người được cống. Nếu có “teo trưởng” phải “trình làng”, tức là cho mọi người thấy.

Người làm bài sẽ chui sáu cây (để có cùng 12 cây như những đấu thủ khác). Người này có thể chui bất kỳ cây nào. Những cây chui sẽ được giữ kín với các đấu thủ khác và không được thay đổi sau khi cây đầu tiên được đánh ra nhưng người làm bài vẫn được quyền xem lại những cây này.

Người làm bài được quyền đánh cây đầu tiên. Trước khi đối phương bên phải ra cây đầu tiên của mình người làm bài phải tuyên bố chất chủ. Nếu người làm bài không tuyên bố chất chủ và cây đánh đầu tiên không phải là “teo” thì chất của cây này đương nhiên trở thành chất chủ.

Sau cây đầu tiên các đấu thủ còn lại, theo thứ tự, mỗi người sẽ ra một cây. Phải tuân thủ nguyên tắc “ra đúng chất của cây đầu tiên trong từng nước” khi còn chất đó nhưng không bắt buộc phải ra cây cao hơn. Nếu không có hoặc hết chất đó đấu thủ được quyền ra cây bất kỳ, kể cả chủ.

Sau khi kết thúc nước thứ mười hai sẽ xác định kết quả của riêng ván đó. Các kết quả có thể là:

  • Càn trắng;
  • Đốc điểm;
  • Đốc hậu;
  • Mỗi nhà cống một;
  • Cống đôi;
  • Cống một;
  • Không cống.

Ở ván kế tiếp đấu thủ bên phải của đấu thủ đã chia ván trước sẽ chia bài.

D. Đổi sân

Một trận đấu gồm 8 ván. Sau bốn ván hai đấu thủ của bên chia bài trước sẽ đổi chỗ cho nhau, hai đấu thủ của bên chọn chỗ ngồi giữ nguyên vị trí. Lượt chia bài ở ván thứ năm thuộc về bên chọn chỗ”, bên này có thể cử bất kì ai để chia bài.

Nếu ở ván này có cống thì người bị cống sẽ cống cho người ngồi bên phải của mình.

E.Kết thúc trận đấu

Sau 8 ván sẽ tính tổng số bàn thắng của cả hai bên. Số lượng bàn thắng là kết quả của trận đấu.

F. Hiệp phụ và phạt đền luân lưu

Nếu Điều lệ giải có qui định thì trong trường hợp phải phân định thắng thua và kết quả sau 8 ván là hòa thì sẽ có hai hiệp phụ, sau đó nếu vẫn chưa phân định thắng thua sẽ thực hiện quả phạt đền luân lưu.

1. Hiệp phụ

Mỗi hiệp phụ gồm 2 ván. Khi bước vào hiệp phụ các đấu thủ giữ nguyên vị trí của mình. Người bên phải của người chia ván thứ tám sẽ chia ván thứ chín. Nếu ở ván thứ tám có số điểm dẫn đến cống thì người bị cống vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Sau ván thứ mười các đấu thủ của bên chia ván đầu lại đổi chỗ cho nhau.

Đồng đội của người chia ván thứ chín sẽ chia ván thứ mười một. Ở ván thứ mười hai đấu thủ bên phải của đấu thủ chia ván mười một sẽ chia bài.

2. Phạt đền luân lưu

a. Công tác chuẩn bị

Trước khi đá phạt đền phải bốc thăm để xác định đội đá phạt trước. Có thể áp dụng một bên rút thăm như khi trước trận đấu xác định đội chia bài trước hoặc hai bên cùng cử đại diện bốc thăm, bên bốc được cây cao hơn sẽ được quyền chọn đá trước hay đá sau.

Mỗi bên cử ra một đấu thủ để đá hoặc đỡ phạt đền. Cả hai đấu thủ của mỗi bên đều phải lần lượt đá phạt đền nhưng có thể chỉ một đấu thủ đỡ tất cả các quả phạt đền của đối phương. Việc cử hoặc thay đổi đấu thủ đỡ phạt đền của đối phương là quyền của mỗi bên.

b. Thực hiện quả phạt đền.

Đấu thủ đến lượt đá phạt đền sẽ chia bài theo qui trình bình thường. Sau khi chia xong đấu thủ đó sẽ lấy phần bài của mình. Người đỡ phạt đền sẽ chọn một trong hai phần bài còn lại (trừ phần đối diện với bài của người đá phạt đền).

Khi thực hiện phạt đền không có phần rao giá, đấu thủ đến lượt đá phạt sẽ bốc nọc và chuẩn bị tay bài của mình như trong thời gian thi đấu chính thức (không áp dụng cống khi đá phạt luân lưu).

Sau đó người đá phạt đền sẽ đánh cây đầu tiên và tuyên bố chất chủ. Cách đánh bài cũng giống như trong các hiệp chính, khác biệt duy nhất là trong mỗi nước chỉ có hai cây bài.

Sau bốn quả phạt đền đầu tiên (mỗi đấu thủ của từng bên sẽ phải thực hiện một lần, các đội luân phiên nhau thực hiện) nếu có kết quả thắng thua thì phần phạt đền luân lưu kết thúc. Nếu vẫn bất phân thắng bại thì mỗi bên sẽ thực hiện từng quả phạt một (hai đấu thủ của mõi bên phải luân phiên thực hiện nếu cần nhiều hơn một quả).

Ban Tổ chức có thể quy định hình thức rút thăm để phân định thắng thua mà không cần phạt luân lưu hoặc chỉ thực hiện 4 quả phạt rồi áp dụng rút thăm.

c. Tính kết quả phạt đền

Khi thực hiện phạt đền chỉ có hai kết quả;

– Có bàn thắng cho người thực hiện phạt đền: Khi người đỡ phạt đền không ăn được điểm nào và không ăn được nước cuối.

– Không có bàn thắng: Khi người đỡ phạt đền ăn được điểm hoặc ăn được nước cuối. Khi người đỡ phạt đền ăn được điểm thì không cần đánh hết cả 12 nước của quả phạt đền đó.