Từ điển Bridge

TỪ ĐIỂN BRIDGE

 A

ACBL (American Contract Bridge League): Liên đoàn Bridge Hiệp ước Mỹ.

B

Báo trùng chất: nhắc lại chất mà đồng đội đã gọi ở mức cao hơn, bằng cách đó khẳng định có từ tám cây trở lên ở chất đó trong cả hai tay.

Bắn (Ruff): ra chủ (trong hiệp ước có chủ) khi chất của nước đang đánh không phải là chủ và tay bài bắn không còn (hoặc không có) chất đó.

Bắn chồng hay bắn đè. (Overruff): bắn bằng cây chủ cao hơn cây chủ của tay bài đã bắn trước đó trong cùng một nước

Bắt: ra cây cao hơn cây trước, cùng chất với nước đang đánh (trong một nước).

Bẻ gẫy (Down): bên phòng thủ ăn được số nước khiến ĐTTC không thể hoàn thành hiệp ước.

Blackwood

a) Easley Rutland Blackwood: đấu thủ, lý thuyết gia, nhà văn người Mĩ, 1903 – 1992. Ông sáng tạo Qui ước Blackwood.

b) Qui ước Blackwood (Blackwood Convention): Gọi 4NT để hỏi số lượng A của đồng đội khi có ý định đánh slem. Trả lời theo nguyên tắc bậc:

– 5Cl (một bậc): 0 hoặc bốn cây A;

– 5Di (hai bậc): một cây A;

– 5He (ba bậc): hai cây A;

– 5Sp (bốn bậc): ba cây A.

Bermuda Bowl Cup: Cúp Vô địch Thế giới do WBF tổ chức hai năm một lần dành cho các đội tuyển quốc gia nam.

C

Ca na pê (Canapé): kiểu rao giá đặc biệt, đặc trưng của đội tuyển Italia và Roman Club, theo đó chất ngắn hơn được gọi trước.

Cái (Lead): quyền được đánh đầu tiên hoặc cây đánh đầu tiên trong mỗi nước.

Cái mở (Opening Lead):  cái ở nước đầu tiên hoặc cây đánh đầu tiên của ván bài.

Càn (Clear a Suit): đánh để đối phương hết bài hoặc đánh bật những nhân tố cao hơn của đối phương ở một chất nào đó.

Càn cứng (Put up): đánh một/vài nhân tố cao nhất ở một chất để rơi những cây cao kế tiếp của đối phương, đưa những cây thấp hơn của ta lên nhất.

Càn chủ: đánh chủ một hoặc nhiều lần để đối phương hết chủ.

Cây cái (Lead): cây đầu tiên trong mỗi nước.

Cây cái mở (Opening Lead):  cây đầu tiên trong nước đầu tiên của ván, trong điều kiện bình thường nó luôn thuộc về người bên trái ĐTTC.

Cây nhỏ (Low Card): những cây bài từ 9 đến 2.

Cây bài phạt (Penalty Card): cây bị lộ (của bên phòng ngự) do vô ý hoặc do lỗi đánh sai. Có hai loại: nặng và nhẹ. Xem Điều 50, Bộ Luật Bridge Thể thao 2007.

Chạy (Discard, Pitch): ra cây (không phải chủ) khác với chất của nước đang đánh.

Chất (Suit): một trong bốn nhóm của bộ bài, gồm mười ba cây từ A đến 2, và kí hiệu bằng biểu tượng: Pích(♠), Cơ(), Rô (), Nhép (♣).

Chất cao (Hight Suit): tính theo thứ tự pích, cơ, rô, nhép. Thuật ngữ này dùng để so sánh hai chất. Ví dụ: khi so sánh pích với cơ thì pích là chất cao, cơ là chất thấp; khi so sánh cơ với rô thì cơ là chất cao, rô là chất thấp.

Chất chủ (Trump): chất được nêu trong hiệp ước (giá) trừ hiệp ước không chủ.

Chất dài (Long Suit): chất có từ bốn cây trở lên, tính trong một tay bài.

Chất lớn (Major Suit ): chất cơ và chất pích.

Chất mạnh (Strong Suit): có thể ăn từ bốn nước trở lên, tính trong một tay bài.

Chất ngắn (Short Suit): chất có từ ba cây trở xuống, tính trong một tay bài.

Chất nhỏ (Minor Suit ): chất nhép và chất rô.

Chất phụ (Side Suit, Plain Suit): chất không phải là chủ trong hiệp ước có chủ.

Chất thấp  (Low Suit):  xem Chất cao.

Chất trùng (Fit):  chất, trong hai tay bài của một đôi, có từ tám cây trở lên.

Chất yếu (Weak Suit): chỉ có thể ăn không quá một nước, tính trong một tay bài.

Chui (Duck): ra cây thấp hơn cây trước, đúng chất đang đánh (trong một nước).

Contr’a (Duble, tiếng Pháp contrée): Giá yêu cầu nhân đôi kết quả của giá có nghĩa trước đó của đối phương, tiếng Việt là “Nhân đôi”.

Cúp Bermuda Bowl: Cúp Vô địch Thế giới dành cho các đội tuyển quốc gia nam do WBF tổ chức hai năm một lần.

Cup d’Orsi Bowl: Cúp Vô địch Thế giới dành cho các đội tuyển quốc gia lão tướng do WBF tổ chức hai năm một lần.

Cúp Venice: Cúp Vô địch Thế giới dành cho các đội tuyển quốc gia nữ do WBF tổ chức hai năm một lần.

Đ

Đánh gẫy (Down): xem “Bẻ gẫy”.

Đánh theo chất (Follow a Suit): Nguyên tắc bắt buộc của Bridge. Chất của cây cái trong mỗi nước là chất của nước đó, người chơi buộc phải ra cây cùng chất của nước đang đánh nếu còn bài ở chất này. Nếu hết, được quyền ra cây bất kì.

Đánh thông chất: đánh một hoặc nhiều lần ở một chất để những cây lớn hơn ở chất đó (của đối phương) ra hết hoặc các tay bài khác hết chất đó và những cây còn lại trở thành cây cao nhất.

Đấu thủ tấn công (Declarer) viết tắt ĐTTC:

Bắc

Đông

Nam

Tây

1

nín

1♠

nín

2

nhân đôi

3♠

nín

4♠

nín

nín

nín

Người đầu tiên (của bên ấn định hiệp ước) gọi hạng của hiệp ước. Ở sơ đồ trên dù N rao giá đầu tiên và định hiệp ước 4Sp nhưng S là ĐTTC vì là người đầu tiên gọi chất pích (hạng của hiệp ước).

Đấu thủ phòng ngự (Defender) viết tắt ĐTPN: Đấu thủ của bên chống hiệp ước.

Điểm nhân tố (High Card Point, viết tắt PC hoặc HCP): Đơn vị đánh giá sức mạnh của mỗi tay bài.

Đối thủ bên phải – viết tắt ĐTBP (Right Hand Opponent, viết tắt RHO): Đối phương ở bên phải của người chơi.

Đối thủ bên trái – viết tắt ĐTBT (Left Hand Opponent, LHO):   Đối phương ở bên trái của người chơi.

D’Orsi Bowl – Cúp Vô địch lão tướng dành cho đội tuyển quốc gia, được WBF tổ chức hai năm một lần trong khuông khổ giải Vô địch Thế giới về Bridge

G

Giá hoặc Gọi (Call): tuyên bố của người chơi trong quá trình rao giá. Có thể là giá có nghĩa, contr’a, recont’ra hoặc nín.

Giá có nghĩa (Bid): giá có nêu hạng và mức.

Giá mã hóa (“Giá ảo”, Artificial Bid):  giá mà hạng của nó không liên quan đến chất/phân bố của người gọi hoặc nín nhưng hứa hẹn số điểm nhân tố hoặc giá trị nào đó.

Gerber

a) John Gerber: Đấu thủ Bridge người bang Texas, Mĩ. Ông có công truyền bá Qui ước Gerber vào Mỹ năm 1938.

b) Quy ước Gerber (Gerber Convention): do hai người Thụy Sĩ là giáo sư William Konigsberger và Win Nye sáng tạo và công bố năm 1936, năm 1938 John Gerber truyền bá Quy ước này vào Mỹ, sau đó mang tên Quy ước Gerber.

Quy ước Gerber sử dụng để hỏi số lượng A của đồng đội bằng 4Cl (khi trước đó chưa có ai trong đôi sử dụng chất nhép để rao giá thật). Cách trả lời theo bậc:

– 4Di: không hoặc bốn cây A;

– 4He: một cây A;

– 4Sp: hai cây A;

– 4NT: ba cây A.

Giá ngăn chặn (Advance Sacrifire): giá ở mức cao (thường từ ba trở lên) dựa trên phân bố không đều nhằm cản trở đối phương tìm hiệp ước tối ưu. Có thể mở hoặc can thiệp bằng giá ngặn chặn. Người rao giá này có thể không hoàn thành hiệp ước (gẫy từ hai đến ba nước) và chấp nhận bị đối phương cont’ra nhưng mức thiệt hại sẽ nhỏ hơn nếu đối phương tự đánh ra hiệp ước của họ.

Giá siêu linh (Psychic): giá quá bất bình thường trong thực tế, cố tình làm sai lệch nghiêm trọng phân bố và/hoặc lực nhân tố của tay bài.

Gọi ngược (Reverse): kiểu rao giá, theo đó chất thấp hơn được gọi trước, chất cao hơn gọi sau ở mức hai hoặc ba.

Gọi nhảy vọt (Jump Bid):

a) Lặp lại chất của mình hoặc của đồng đội ở mức cao hơn hai bậc (hoặc nhiều hơn) so với mức trước đó. Ví dụ: 1He – 3He; 1He – 1Sp – 3He…

b) Gọi chất mới sau chất của đồng đội ở mức cao hơn một bậc hoặc vài bậc so với mức tối thiểu cần có. Ví dụ: 1He – 2Sp; 1He – 3Cl…

H

Hạng (Denomination): một trong hai thành phần của giá (cùng với mức). Hạng có thể là một trong bốn chất hoặc không chủ.

Hệ thống Rao giá (Bidding System): tập hợp những thỏa thuận và qui ước của một đôi để rao giá và liên kết các giá nhằm đạt đến hiệp ước.

Hệ thống tính điểm nhân tố (Work Point Count System, PC là viết tắt của Point Count, ngoài ra còn sử dụng HCP là viết tắt của Hight Card Point): Milton Cooper Work (người Mỹ) phát minh, Charles Henry Goren phát triển (trong tiếng Anh cụm từ High Card  ngoài nghĩa nhân tố còn để chỉ cây cao nhất của một chất trong một thời điểm nào đó của ván bài). Theo hệ thống này A = 4 PC, K = 3 PC, Q = 2 PC, J = 1 PC, cây 10 là nhân tố không có điểm.

Hiệp ước (Contract): sự thỏa thuận đạt được trong giai đoạn rao giá. Nó buộc bên ấn định hiệp ước phải ăn được số nước đã tuyên bố. Hiệp ước gồm mức và hạng.

Hộp đựng bài (Bridge Board): thiết bị gồm bốn ngăn để đựng bốn tay bài, sử dụng trong Bridge Thể thao. Trên hộp có kí hiệu vị trí của từng đấu thủ, người chia bài và vùng của các đôi.

Hộp rao giá (Bidding Box): Hộp đựng các thẻ sử dụng trong quá trình rao giá.

J

Josephine

a) Josephine Culbertson: Nữ đấu thủ Bridge Mĩ, 1899 – 1956, tên thời con gái là Murphy. Bà là đồng tác giả (cùng chồng là Ely Culbertson) Quy ước Josephine.

b) Quy ước Josephine: (sử dụng khi trước đó chưa gọi 4NT Blackwood) để hỏi số lượng nhân tố chủ cao (AKQ), tăng lực đến slem lớn. Sau 5NT đồng đội trả lời:

– 6Cl: không có nhân tố chủ cao;

– 6Di: một nhân tố chủ cao;

– 6He: hai nhân tố chủ cao;

– 6Sp: ba nhân tố chủ cao.

K

Kiu-bit (Cuebid, Cue bid hoặc Cue-bid): gọi (mã hóa) một chất để báo có sự kiểm soát chất đó (có A hoặc K, cũng có thể là xếch hoặc sican khi đánh có chủ).

L

Liên Đoàn Bridge Thế giới (World Bridge Federation, viết tắt WBF): do ba đoàn đại biểu của châu Âu, Bắc Mĩ và Nam Mĩ thành lập năm 1958. Chủ tịch WBF (từ tháng 10 năm 2010) là ngài Gianarrigo Rona người Italia. WBF gồm 123 Tổ chức Bridge Quốc gia (viết tắt tiếng Anh – NBO) với khoảng 700.000 thành viên (2011).

Mỗi NBO thuộc một trong tám khu vực địa lí (Khu vực 1 – LĐ Bridge Châu Âu, Khu vực 2 – ACBL, Khu vực 3 – LĐ Bridge Nam Mĩ, Khu vực 4 – LĐ Bridge Châu Á và Trung Đông, Khu vực 5 – LĐ Bridge Trung Mĩ và Ca-ri-bê, Khu vực 6 – LĐ Bridge Châu Á-Thái Bình Dương, Khu vực 7 – LĐ Bridge Nam Thái Bình Dương, Khu vực 8 – LĐ Bridge Châu Phi). WBF tổ chức Đại hội hai năm một lần.

M

Màn chắn: dụng cụ đặt trên bàn thi đấu, theo đường chéo, có cửa cao hơn mặt bàn khoảng 0,2 m, không cho phép hai đấu thủ ngồi đối diện nhìn thấy nhau.

Mans (Game,): hiệp ước mà điểm các nước ăn có tuyên bố bằng hoặc lớn hơn 100.

Mor (Dummy):

a. Tay bài được hạ ra cho mọi người cùng thấy sau khi đánh cây cái đầu tiên. Tay bài này thuộc quyền điều khiển của đấu thủ tấn công.

b. Người phải hạ bài sau khi ĐTPN đánh cây cái đầu tiên ngửa mặt.

Mức (Level): một thành phần của hiệp ước (hoặc giá) còn được gọi là các nước ăn có tuyên bố. Có 7 mức: từ một đến bảy. Mức cộng 6 (mức cơ sở) là số nước tối thiểu mà bên ấn định hiệp ước buộc phải ăn để có thể hoàn thành hiệp ước.

Mức cơ sở (Book): sáu nước phải ăn của ĐTTC khi đánh bài. Số nước này cộng với mức của hiệp ước là số nước tối thiểu ĐTTC buộc phải ăn để đánh ra hiệp ước.

Một chồng một (One over one): trả lời bằng chất ở mức một sau khi đồng đội mở hoặc can thiệp.

N

Người can thiệp (Overcaller): Người rao giá sau khi đối phương mở.

Người chia bài (Dealer): Người chia bài thực tế hoặc được coi là người chia bài.

Người mở (Opener): Người rao giá có nghĩa đầu tiên (không phải là “nín” ).

Người trả lời (Responder): Đồng đội của người mở, rao giá với giá khác “nín”.

Nhân đôi hoặc Cont’ra (Duble): Thuật ngữ rao giá, nhằm yêu cầu thay đổi biểu điểm (theo mức nhân đôi) đối với giá (hiệp ước) của đối phương.

Nhân bốn hoặc Recont’ra (Reduble): Thuật ngữ rao giá, nhằm yêu cầu thay đổi biểu điểm (theo mức nhân bốn) đối với giá (hiệp ước) của mình.

Nhân tố (Honor Card hoặc High Card): những cây A,K,Q,J,10.

Nín (Pass): Có nghĩa là không tham gia, chuyển quyền rao giá cho người kế tiếp ở lượt rao giá đó, còn gọi là giá không có ý nghĩa.

Nước (Trick): đơn vị để tính kết quả của ván bài gồm bốn cây bài ra liên tiếp theo đúng luật từ bốn tay bài trong quá trình đánh bài.

Nước ăn dư (Overtrick): nước ăn nhiều hơn số nước đã tuyên bố.

Nước ăn thiếu (Undertrick): nước ăn ít hơn số nước đã tuyên bố.

Nước chặn (Stopper): các nhân tố cao hoặc tập hợp các nhân tố thấp hơn như A, KQ, QJ10 (ở một chất trong một hoặc cả hai tay của một đôi).

P

Phân bố (Distribution)

Phân bố của tay bài: số lượng cây ở từng chất, trong một tay.

Ví dụ: 5 – 4 – 2 – 2, 5 – 4 – 4 – 0, 4 – 3 – 3 – 3. Thông thường chất nhiều hơn xếp trước, nếu cần cụ thể hơn sẽ chỉ dẫn thêm. Ví dụ: tay bài có bốn cây pích, năm cây cơ, một cây rô, hai cây nhép sẽ được thể hiện dưới dạng 4 – 5 – 1 – 2.

Có thể kí hiệu cụ thể từng cây: ♠AKQ4 QJ1085 3 ♣72.

Phân bố của chất: số lượng ở một chất trong mỗi tay bài của một đôi. Ví dụ N-S có năm cây pích, như vậy có thể có phân bố: 3 – 2, 4 – 1, 5 – 0.

Phân bố của ván bài: số lượng cây ở từng chất trong cả bốn tay bài. Trong trường hợp này thường ghi cụ thể từng cây bài.

Q

Quy ước (Convention): những thỏa thuận trong một đôi về một giá hoặc loạt giá nhằm thông báo giá trị nào đó về phân bố hoặc nhân tố.

R

Rao giá ngược : xem “Gọi ngược”.

Rao giá ngăn chặn : xem “Giá ngăn chặn”.

Rao giá nhảy vọt: xem “Gọi nhảy vọt”.

Recontr’a (Reduble, tiếng Pháp Surcontrée): Giá yêu cầu nhân bốn kết quả giá có nghĩa của bên mình khi đối phương đã yêu cầu nhân đôi. Recontr’a có giá trị khi sau nó có ba giá nín liên tiếp.

Roman Key Card Blackwood (viết tắt RKCB): (Quy ước Blackwood kiểu Roma với nhân tố quan trọng) một biến thể của Blackwood để hỏi số lượng A và Q chủ. Trong biến thể này K chủ được coi như A nên sẽ có năm cây A trong một bộ bài. Hỏi bằng 4NT. Trả lời như sau:

– 5Cl: không hoặc ba cây A;

– 5Di: một hoặc bốn cây A;

– 5He: hai hoặc năm cây A, không có Q chủ;

– 5Sp: hai hoặc năm cây A, có Q chủ.

Nếu chất chủ quá dài (từ 10 cây trở lên) người trả lời luôn phải báo có Q vì trong trường hợp này Q chủ của đối phương sẽ rất khó ăn được.

S  

Săn (Finess hoặc Finessing): kiểu đánh nhằm không cho nhân tố/những nhân tố còn thiếu (nằm trong tay đối phương) ăn nước. Ví dụ:

AQ972
4
A64
AK92
 W         E 10865
10
K3
QJ10764

Đôi E – W có chín cây pích, thiếu K và J. Nếu đánh từ W đối phương chắc chắn ăn được ít nhất một nước. Nhưng nếu K và J trong tay S (còn gọi là “nằm trong lõng”), dù có KJ43, và đánh pích ba lần từ E thì S sẽ không ăn được nước nào.

Sican (Void, tiếng Pháp Chicane): Thiếu hoàn toàn một chất (tính trong một tay) gọi là sican chất đó. Ví dụ: sican rô tức là không có cây rô nào.

Slem (Slam): những hiệp ước từ mức sáu trở lên.

Slem lớn (Grand Slam): hiệp ước ở mức bảy

Slem nhỏ (Small Slam): hiệp ước ở mức sáu.

Stayman:

a) Sam Stayman: đấu thủ và lí thuyết gia Bridge người Mĩ, sinh năm 1909, mất năm 1993. Ông sáng tạo Quy ước Stayman, qui ước này được công bố năm 1945.

b) Quy ước Stayman: Sau mở 1NT (2NT) của người mở (hoặc can thiệp) người trả lời sẽ gọi 2Cl (3Cl) mã hóa để hỏi chất lớn của đồng đội.

T

Tay bài (Hand): mười ba cây bài của mỗi đấu thủ trong một ván, cũng để chỉ số lượng bài còn lại của một đấu thủ ở một thời điểm của ván bài.

Tăng lực (Forcing): kiểu rao giá không cho phép đồng đội nín (ví dụ gọi chất mới…). Có nhiều mức: tăng lực một vòng, tăng lực đến mans…

Thẻ Hệ thống (Convention Card): Thẻ ghi vắn tắt những thông tin mà một đôi đã thỏa thuận trước trong hệ thống rao giá cũng như cách đánh của mình. Thẻ này có thể được Nhà Tổ chức Giải qui định phải có. Việc sử dụng thẻ trong giai đoạn rao giá và đánh bài được nêu trong Bộ Luật Bridge (Ấn bản 2007).

Thông tin Stop: Giá có nghĩa nhằm báo “tôi không còn gì để nói” khi không được phép “nín” vì đồng đội vẫn muốn tiếp tục rao giá.  

Trùng chất: xem “Chất trùng”.

V

Venice Cup: Giải Vô địch Thế giới do WBF tổ chức hai năm một lần dành cho các đội tuyển quốc gia nữ.

Vị trí bị tăng lực (Forcing position): đấu thủ ở vị trí này (khi rao giá) không được phép nín (mặc dù không còn gì để gọi) vì đồng đội chưa bộc lộ hết tiềm năng tay bài của mình.

Vị trí tự do (Free position): đấu thủ ở vị trí này (khi rao giá) được phép nín.

Vùng (Vulnerability): sử dụng để tính các loại điểm thưởng và điểm phạt.

a) Thuật ngữ Bridge Rô-ber chỉ tình trạng của một đôi khi đang thực hiện mans thứ nhất (ngoài vùng hoặc vùng một, non-vulnerable) hoặc mans thứ hai (trong vùng hoặc vùng hai, vulnerable) trong quá trình đạt được rô-ber.

b) Thuật ngữ trong Bridge Thể thao mang tính quy định đối với các đôi.

X

Xếch (Singleton): chất chỉ có một cây, tính trong một tay. Ví dụ: xếch cơ tức là ở chất cơ chỉ có một cây; Q xếch tức là ở chất đó chỉ có mỗi một cây Q.

W

WBF (World Bridge Federation): Liên đoàn Bridge Thế giới, thành lập năm 1958